Ngẫm: Bức tranh cuộc sống của anh em sẽ theo trường phái nào?
Nếu có một họa sĩ ngồi vẽ theo mô tả của các ông về cuộc sống của mình thì sản phẩm hoàn thành sẽ ra sao nhỉ?
Khi người phương Tây nhìn vào các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc, họ thường thắc mắc: “ Tại sao những bức vẽ này lại không hoàn thiện?”
Nếu nhìn thoáng qua thì thực tế đúng là vậy. Các bức vẽ bằng bút lông của Trung Quốc thường có nhiều khoảng trống. Ví dụ như một bức tranh chỉ vẽ độc một bông hoa ở góc trái phía dưới. Tám con ngựa đột ngột xuất hiện từ không trung. Một đỉnh núi trơ trọi xuất hiện giữa những đám mây mà thiếu mất phần chân núi.
Với tranh sơn dầu của phương Tây thì gần như một sự đối lập hoàn toàn, mọi centimet của bức tranh đều được phủ kín. Vì thế họ đương nhiên cho rằng bức tranh mà còn trống là bức tranh chưa được hoàn thành.
Cuộc sống hiện đại với phương châm: “Làm hết mình, chơi hết mình” cũng giống như một bức tranh sơn dầu, đòi hỏi phải được lấp hết mọi khoảng trống. Mọi người thi nhau phủ kín bức vải vẽ của mình với những buổi họp, các cuộc hẹn, y như các nhân vật trong tranh của danh họa người Hà Lan Hieronymus Bosch.
Thậm chí chúng ta cũng cần tối ưu hóa cả thời gian rảnh rỗi của mình.
Tôi đã đi được bao nhiêu thành phố trong kì nghỉ này? Hoạt động này có giúp tôi đạt được mức độ giải trí như mong muốn không? Liệu làm việc này thì chi phí bỏ ra so với những gì thu lại có ổn không?
Một trong những đặc điểm của thời nay là bận rộn. Bạn càng thành công thì càng bận rộn.
Ngay lúc này bạn không đang có một kế hoạch hoành tráng cho cuối tuần hay lên lịch cho một chuyến du lịch đắt tiền vào đợt nghỉ tới thì bạn sẽ bị kết luận là một người nhàm chán!
Tất cả những khoảng trống thời gian trên lịch cần được sử dụng làm gì đó bởi vì khoảng trống có nghĩa là chưa hoàn thiện.
Nhưng cuộc sống mà cứ đòi hỏi càng ngày càng nhiều như vậy thì không bền vững. Với những bức vải vẽ tô kín mít thì không còn không gian để cải tiến, để thay đổi. Cuộc đời chúng ta tương tự sẽ trở nên cứng nhắc, chỉ còn biết ngồi chờ đợi cho mực vẽ khô ráo.
Những bức vẽ của Trung Quốc luôn luôn làm tôi bối rối. Tại sao có thể vẽ một thứ với chỉ một vài nét cọ, hoàn thành trong một buổi trưa, so với một kiệt tác theo tiêu chuẩn của phương Tây, đòi hỏi cả một đội thực tập sinh để hoàn thành và mất gần cả một năm để chờ cho mực khô?
Tôi nhận ra, thay vì nhìn những khoảng trống như phần cuối cùng của một bức tranh cần lấp đầy, tôi có thể xem chúng như là phần đầu tiên.
Tất cả các bức tranh ban đầu đều trống rỗng. Với quan niệm như vậy sự trống rỗng là tất yếu trong mỗi bức tranh. Sự trống rỗng tạo điều kiện cho các vật thể tồn tại.
Những bức tranh với những khoảng trống để người xem có cơ hội vẽ ra trong đầu họ những sự vật, sự việc khác nhau, cùng chiêm nghiệm khi ngắm nhìn.
Trong cuộc sống, có rất nhiều bài thực hành để tạo ra khoảng trống nếu anh em thấy "bức tranh" hiện tại của mình đã quá đầy:
Cho tâm trí, là ngồi thiền
Cho căn nhà, là dọn dẹp những thứ không cần thiết
Cho thời gian biểu, là những khoảng thời gian làm mọi việc một cách ngẫu hứng.
Điều này là rất cần thiết để chúng ta có thể trải nghiệm sự tĩnh lặng của tâm trí, để suy nghĩ chậm lại, để nhìn mọi thứ rõ ràng hơn, để được thoải mái làm mọi việc mà không theo một kế hoạch định trước và cuối cùng là để khám phá ra điều gì là thực sự quan trọng trong cuộc sống.
Nguồn: oxii.vn